May 3, 2012

Những gánh hàng rong

“Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao
Có tiếng rao nghe xơ xác xanh xao khuất sau hàng phố cao...”.

Gánh hàng rong

Những khoảng lặng quý giá trong đời sống đô thị, ngành nghề với bao nỗi cơ cực dãi nắng dầm mưa, vì thế có người nói chúng ta nên cứ thương-giận hàng rong!
  Hàng rong có từ bao giờ, không biết nữa. Chỉ thấy rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố ngàn năm tuổi này, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét riêng của văn hóa đô thị.

Nói đến hàng rong là nói đến những người đi bán dạo. Đó là những người nghèo tảo tần, cam phận. Họ không ngồi một chỗ cố định, mà rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm. Với chiếc đòn gánh cong cong, những người đàn bà của Tú Xương bất kể ngày nắng hay mưa, quẩy trên vai các thứ thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày cho người hàng phố. Từ củ hành, mớ rau thơm làng Láng, bó hoa cúc, bông thược dược làng Ngọc Hà cho đến bánh cuốn Thanh Trì, bìa đậu Hoàng Mai, mẹt cốm làng Vòng… mùa nào thức nấy! Thời khốn khó, không có siêu thị, cửa hàng thực phẩm bán bằng tem phiếu. Chỉ có chợ và hàng rong. Nhà có công việc hay đông người thì mới đi chợ. Còn không, mọi sinh hoạt hàng ngày như mớ rau, bìa đậu, con tép… tất tật đều trông vào hàng rong. Vừa tiện, vừa rẻ và tươi.

Gánh hàng rong

Khi Hà Nội chưa gấp gáp đô thị hóa và mở rộng, mới chỉ có khu 36 phố phường, mà ta gọi là khu phố cổ và khu phố Tây, thì bán hàng rong là dân các làng ven đô. Vào những năm 60 trở về trước, đi từ Bờ Hồ hay các phố ở trung tâm lên đến làng Ngọc Hà, làng Láng, Hoàng Mai, Trương Định, làng Vòng, Bưởi… đã thấy xa, phải mất mấy chặng dừng tránh tàu điện. Rồi dân nghèo các vùng xung quanh như Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… lũ lượt kéo nhau về Hà thành kiếm sống, gọi là dân “tứ chiếng”. Họ làm đủ thứ nghề, đàn ông đạp xích lô, ba gác, thợ hồ, bốc vác ở Bến Nứa, chợ Đồng Xuân, Bắc Qua. Đàn bà, con gái thì đi “đi ở” cho nhà người ta, một số tháo vát, có chút vốn còm thì nhập vào đội quân bán dạo.

Thời trước, Hà Nội còn vắng lắm, không đông đúc ồn ã như bây giờ. Giao thông chủ yếu bằng xe điện và xe đạp. Ô tô riêng hầu như không có. Chỉ có xe ô tô mang biển xanh của Nhà nước và biển đỏ của quân đội, được phe XHCN viện trợ như của Liên Xô, Rumani, Trung Quốc, Triều Tiên. Xe máy cũng hiếm. Vì thế giao thông trong thành phố rất trật tự, yên ả, chứ không bát nháo, chen lấn phóng nhanh vượt ẩu và ùn tắc như bây giờ. Trên vỉa hè chỉ có người đi bộ và người bán hàng rong. Không có chuyện cơi nới lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, trông giữ xe máy, ô tô. Người ngồi trong nhà dễ dàng gọi hàng rong để mua thứ mình cần.
Gánh hàng rong

Thật thú vị biết bao, giữa trưa hè oi bức, được ăn bát “tào phớ” màu trắng ngà, mát lạnh, sóng sánh nước đường mà người bán khéo léo múc trong chiếc thùng gỗ nhỏ bằng cái vỏ con trai to bằng bàn tay trẻ con, mỗi bát chỉ vài lượt óc đậu mỏng tang. Hay giữa tiết thu hanh hao nắng và se se lạnh, được ngồi nhón từng nhúm cốm vòng xanh mướt thơm mùi hương lúa mới trong mảnh lá sen già mua của cô hàng cốm, bỏ vào miệng như thấy cả hương trời đất lan tỏa qua những hạt cốm dẹt, deo dẻo, mỏng manh. Rồi những tối mùa đông giá rét, ngồi quanh gánh hàng ngô nướng, khoai nướng trên vỉa hè mà hít hà, mà xuýt xoa trên tay bắp ngô non vừa nướng trên lò than hoa đỏ rực mà thấy ấm lòng, quên đi cái rét căm căm thổi đến từ phương Bắc.

Tuổi thơ tôi gắn liền với chiếc xe đẩy bán kem cốc, gọi là “xế cố” của ông người Tàu trước cửa trường ở phố Nguyễn Thái Học. Chỉ mất 5 xu, là đã được thưởng thức một cốc kem có chân hẳn hoi, đầy có ngọn. Trông thế, nhưng kem rất xốp, cái lưỡi tham lam của tôi chỉ lướt nhẹ hai, ba lần là đã thấy đáy cốc. Không biết ông múc thế nào mà khéo đến vậy. Thế nhưng, với lũ học trò như tôi, thì cốc “xế cố” xôm xốp, nhàn nhạt ăn vào lạnh đến cả chân răng kia, lại là món ngon nhất trần đời lúc ấy. Và, dẫu năm tháng trôi đi, mỗi khi nhớ lại, cái vị kem xôm xốp, thoang thoảng hương nước dừa, nước cam từ cái thùng kem của ông người Tàu, đến giờ vẫn cứ ngọt ngào và lạnh buốt trong kỷ niệm tuổi thơ tôi.

Gánh hàng rong

  Bây giờ, Hà Nội đã không còn như xưa. Cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, thành phố ngày càng đông và chật chội. Cái diện tích rộng hơn 3.000 km2, dường như vẫn chưa đủ chỗ cho hơn 6 triệu người trong đại đô thị này. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhiều tuyến đường được mở rộng, cải tạo và xây dựng mới. Các khu đô thị với hàng trăm tòa chung cư cao tầng đua nhau mọc lên trên các vùng đất hôm qua là những cánh đồng trắng cánh cò bay. Cả thành phố từ trung tâm cho đến ngoại đô cứ rầm rập như một công trường khổng lồ. Không khí ngày cũng như đêm lúc nào cũng nặng vì bụi và tiếng ồn, khí thải. Các con đường trong thành phố lúc nào cũng dầy đặc người, luôn tắc đường, kẹt xe. Trong trung tâm, các cửa hàng cửa hiệu mọc lên san sát. Không nhà nào ở mặt phố lại không mở cửa hàng. Đã có bán là có mua. Thế là cái vỉa hè vốn dành cho người đi bộ thành nơi kinh doanh buôn bán tự lúc nào. Vỉa hè thành nơi để xe máy của khách vào mua hàng. Là nơi nhà này lấn ra để bán cà phê. Nhà kia ở bên trong không chịu lép, cũng tranh thủ nhao ra mở quán nước, gánh hàng bún chả… Cái vỉa hè vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Người đi bộ và cả người bán hàng rong phải đi xuống lòng đường mà nơm nớp sợ hãi.

Càng đô thị hóa, người từ nông thôn bị mất đất đổ về thành phố ngày một đông hơn. Và tất nhiên, đội ngũ hàng rong cũng càng phát triển. Người bán hàng rong giờ cũng dăm đủ loại, không còn thuần chất như xưa. Tuy vẫn còn rất nhiều người bán hàng chân quê, mộc mạc, cần mẫn kiếm từng ngàn bạc. Cũng vẫn là củ sắn, củ khoai, bắp ngô quen thuộc, nhưng cách chế biến đã đượm chất kinh doanh đô thị. Củ sắn luộc được ủ nóng lại còn rắc bên trên ít dừa nạo nhỏ như sợi bún, ăn vừa bùi vừa ngầy ngậy, nhưng tiền mua một khúc sắn như thế đắt gấp đôi khúc sắn luộc bình thường.

Kinh tế thị trường đã dậy cho người bán hàng rong khôn lên đến mức láu cá, thậm chí biết lừa đảo bằng cách cân điêu. Bán hoa quả đã biết lòe khách hàng rằng táo nhập từ Mỹ, nho là của Úc… nhưng thực ra mấy thứ hoa quả đó đều lấy từ chợ hoa quả Long Biên, nhập về từ bên kia biên giới phía Bắc. Buôn một, bán hai ba. Bỏ vốn một đồng, thu lãi hai, ba đồng. Hàng rong mà siêu lợi nhuận, lại chẳng phải thuế má gì. Quanh Bờ hồ Hoàn Kiếm, một dạo xuất hiện băng hàng rong chuyên trấn lột khách nước ngoài. Bằng cách giả lả tươi cười rồi “hê lô, hê lô” tỏ ra thân thiện với mấy ông Tây, bà đầm, lừa cho họ đặt cái đòn gánh tong teo mấy quả chuối, quả bưởi đã gọt vỏ lên vai tạo dáng chụp ảnh là vòi tiền. Mà tiền đô hẳn hoi. Mỗi lần như thế khách phải chi ít nhất là một chục. Nếu vị khách nào tỏ vẻ cứng, không chịu đưa tiền là lũ lưu manh này xúm vào xỉa xói với người vừa mới được “hê lô, hê lô” cách đấy mươi phút.

gánh hàng rong ngày xưa
Một ngày nào đó thành phố này phải thuê những người bán hàng rong để họ "tái tạo lại lịch sử"

  Tôi là người có thú lang thang trên những con phố của thành phố thân yêu này. Chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài của gánh hàng rong. Buồn có vui có. Nhưng nghĩ cho cùng câu chuyện về hàng rong cũng là câu chuyện rất đời thường của cuộc sống đô thị mà thôi. Hãy quên đi những kẻ bán hàng bất lương. Hãy quy định rõ ràng đoạn phố, con đường nào hàng rong không được đến vì một lý do nào đấy. Còn lại, hãy để người bán hàng rong được tự do làm cái việc kiếm sống chính đáng của mình, đem lại sự thuận tiện và niềm vui nho nhỏ cho cư dân đô thị. Sẽ ra sao, mai này trên đường phố vắng một tiếng rao đêm, vắng bóng người con gái quê mảnh mai với chiếc đòn gánh cong hai đầu như vành trăng khuyết, đem bốn mùa đến cho mọi người?

Đường phố sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu! Và khi ấy, ta sẽ thấy câu nói của Chua Beng Huat, một GS nổi tiếng về đô thị học của Singapore khi quan sát hoạt động hàng rong trong khu phố cổ Hà Nội, sâu sắc và thâm thúy biết chừng nào: “Một ngày nào đó, thành phố này phải thuê những người bán hàng rong để họ tái tạo lại lịch sử”.

Còn tôi, tôi thấy thật đúng khi cho rằng, hàng rong là nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Bạn có đồng ý không?

Theo Thanh Tùng
 Năng lượng mới

0 comments :

Post a Comment