Miền Tây mến yêu. Đến
miền Tây, như là bạn đang tìm về chính mình. Khung cảnh như là một kỳ
quan của thế giới thu nhỏ, như là một vẻ đẹp tự nhiên của thôn nữ không
cần chút phấn hồng điểm trang, bạn có thể gặp chính bạn trong sự chân
tình của người địa phương. Niềm vui phấn khởi khi cư dân ở đây gặp bạn
như thể là người thân lâu lắm không gặp, một tình người rất chân thật,
một nét văn hóa riêng mà ai đến đây khi ra về không biết diễn tả như thế
nào vì rất là Miền Tây!
Nói
đến tính cách của con người miền tây, nó được thể hiện qua các mối quan
hệ trong xã hội. Thực ra, người Miền Tây là một trong những bộ phận cấu
thành của dân tộc Việt Nam, do điều kiện nơi sống và nét văn hóa khác nhau của từng vùng, từng miền mà tính cách của con người cũng khác nhau.
Như
mọi người đều biết, vùng đất này trước khi có sự khai phá của những
người dân đến từ miền Trung và một ít cư dân người Bắc thì vùng đất này
chỉ là một vùng rừng rậm hoang vu, có thú dữ tràn đầy. Chính vì điều đó
họ luôn lo sợ trước cảnh tượng rừng hoang cỏ rậm, đồng ruộng hoang vu
này. Từ đó họ đã nương tựa vào nhau để sống, tất cả mọi người đều hết
lòng vì việc nghĩa. Điều này đã hình thành nên tính cách “trọng nghĩa khinh tài”
ở trong con người họ. Bởi họ ý thức được rằng: trước điều kiện thiên
nhiên như vậy, nếu họ chia rẽ thì sẽ chết. Tinh thân đoàn kết, sống với
nhau vì nghĩa không chỉ giúp họ sẻ chia công việc với nhau, để giúp đỡ
nhau trong những lúc hoạn nạn, ốm đau mà còn hỗ trợ lẫn nhau cùng chống
lại những khắc nghiệt của thiên nhiên.
Chính điều kiện hoàn cảnh khó khăn đó đã tôi luyện con người Miền Nam này thành một người “Hành hiệp trượng nghĩa”.
Họ sẵn sàng, thậm chí hy sinh tính mạng của mình để làm tròn đạo nghĩa.
Bên cạnh đó cũng đã xây dựng cho con người tính chăm chỉ, làm việc hết
mình, chơi thì cũng chơi “ tới bến”. Con người Miền Tây này luôn quan
niệm rằng:
“ Nếu thấy việc nghĩa mà không ra tay làm thì không phải là anh hùng”
Còn
trong những hoàn cảnh đời thường họ rất quý mến bạn bè. Nguyên do chủ
yếu vì họ là những người ở xa gốc gác, xa nguồn cội của họ, họ từ những
nơi khác đến, không có nhiều người thân thích, vì thế mà họ hiểu và luôn
thông cảm cho nhau vì “ mọi người đều cùng chung một số phận”, hoạn nạn
họ luôn kề vai để vượt qua – “ Bán bà con xa mua láng giềng gần”
đây là câu nói cửa miệng của những con người ở đây để nói lên rằng họ
luôn sống cho nhau, cho bạn bè, cho những người đang sống quanh họ. Nên
khi có bạn bè đến chơi hay khách đến nhà, dù gia cảnh có bần hàn, khó
khăn đến đâu họ cũng cố gắng đãi bạn, đãi khách cho tươm tất:
“ Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”
Dù
nghèo đến đâu, khi có khách hay bạn bè đến chơi thì họ luôn tâm niệm
rằng” nghèo thì nghèo, tiếp bạn chu đáo cái đã, tiền bạc có sá gì, nhân
nghĩa mới là điều quan trọng”. Vì vậy, những ai không có
nhân nghĩa thì cũng đừng hòng họ đáp lại bằng nhân nghĩa.Ngược lại, nếu
sống có tình nghĩa thì khó khăn nào họ cũng chịu, gian khổ mấy họ vẫn
sẵn sàng chấp nhận. Và một đặc điểm nữa đi liền với tính cách của người
Miền Tây là: Họ nói một là một, hai là hai, không thay đổi, tình cảm
luôn rõ ràng, dứt khoát, nếu đã hứa thì phải làm dù cho sự thay đổi có
thể mang lại cho họ nhiều điều lợi nhưng họ vẫn”khăng khắng một lời quân tử nhất ngôn”
Lợi
lộc thì họ ham nhưng không vì danh lợi đó mà làm những công việc phi
nghĩa, làm trái với tinh thần nghĩa khí hào hiệp của họ. Họ chỉ nhận
những gì tương xứng với công sức mà họ bỏ ra.
Nói
về chuyện tình yêu nam nữ, họ sống và thể hiện tình cảm cho nhau rất
chân thành qua những lời lẽ mộc mạc. Thời xưa họ thường dùng những câu
đối, những câu hò trên những cánh đồng xanh tốt để thể hiện tình cảm cho
nhau. Một tính cách nổi bật nữa của những con người ở đây mà người ta
thường nhắc đến là tính hiên ngang, dân gian thường gọi là tính “ ngang tàng”. “ Ngang tàng”
ở đây không phải là ngang ngược, lỗ mãng mà “ ngang tàng” ở đây chính
là tính nghĩa khí, chí khí hiên ngang. Họ đối đãi với nhau rất là điệu
nghệ, sẵn sàng “ hy sinh bản thân” để sống cho việc nghĩa.
“ Trời sinh cây cứng lá dai,
Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều”.
Chính
tính cách này giúp họ sống hòa thuận với nhau, cùng chung sức khai
hoang lập ấp. Với sự nỗ lực đó, mảnh đất hoang vu thuở nào nay đã trù
phú, rừng hoang đã rẫy, với những cánh đồng bát ngát xanh tươi. Thiên
nhiên ngày càng đem đến cho con người ở đây nhiều nguồn lợi hơn. Từ đó
họ càng thêm tự hào và yêu quý mảnh đất này hơn. Và họ còn thể hiện tình
cảm cũng như tấm lòng của họ với đất nước với một phong cách rất riêng
mang đậm bản tính của người Nam Bộ. Đó là lý do giải thích tại sao các
câu ca dao, những bài hát Nam Bộ có nội dung về quê hương đất nước
thường đề cập đến một vùng đất trù phú, một địa bàn khá rộng và nổi
tiếng giàu có về những thứ sản vật nào đó:
“ Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh,
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm”.
Hay:
“ Bến Tre giàu mía Mỏ Cày,
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.”
Hay trong bài hát có câu: “ Cần Thơ gạo trằng nước trong…”
Đó
là tất cả những hoạt cảnh của thời bình, đến thời chiến tranh thì mọi
thứ bị thực dân Pháp đảo lộn. Con người Miền Nam này vì được xuất thân
và trải qua nhiều khó khăn vất vả đã hun đúc đào tạo được tinh thần yêu
nước, khí phách anh hùng của người dân Nam Bộ được phát huy mạnh mẽ. Họ
kêu gọi mọi người đấu tranh, khích lệ nhau lên đường đánh giặc cứu nước:
“ Làm trai đứng ở trên đời,
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta.
Ghé vai gánh đỡ sơn hà,
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu.”
Và
hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ ở nhà chăm lo sản xuất để chồng mình yên
tâm đi chiến đấu. Một hình ảnh thể hiện mạnh mẽ người phụ nữ Nam Bộ kiên
cường, họ thể hiện lòng yêu nước của mình bằng sự hy sinh chăm lo cho
con cái, chăm lo nhà cửa và vui vẻ tiễn người chồng thân yêu nhất của họ
lên đường cứu nước:
“ Anh đi đánh giặc Lang Sa,
Để thiếp ở nhà, lo tần lo tảo.
Chén cơm manh áo, nhà cửa ruộng vườn.
Để anh lên ngựa đề thương
Thiếp về mặc thiếp liệu lường nuôi con”
Trên
đây chỉ thể hiện một phần tính cách của con người Miền Tây nói riêng và
Miền Nam nói chung. Nói đến tính cách con người của một vùng, một miền,
một quốc gia nào đó là một điều tế nhị. Hơn nữa, tính cách con người lại
rất phong phú và đa dạng, có thể sẽ thay đổi qua thời gian. Vì thế ta
không thể phản ánh hết được tính cách của những con người ở đây mà chỉ
qua cách nhìn nhận và những nhận xét khách quan của mọi người xung quanh
ta, cũng như qua ca dao, tục ngữ, những bài hát mà nói lên tính cách
chung của con người Miền Tây này, để xem những người Nam Bộ nói về tính
cách của người Nam Bộ ra sao. Từ đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về đặc tính
của vùng đất này và con người Nam Bộ này và cũng là để thêm yêu mảnh
đất, thêm yêu con người Miền Nam hiền lành, chất phác này, như yêu chính
anh em một nhà của gia đình Việt Nam chúng ta.
(Phương Thụy)
0 comments :
Post a Comment